Tin tức






Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Giải hạn cho vùng đất khát” Lục Khu
Lượt xem: 147

Vùng Lục Khu, huyện Hà Quảng gồm 6 xã: Cải Viên, Lũng Nặm, Mã Ba, Nội Thôn, Thượng Thôn, Tổng Cọt. Ở đây, nguồn nước hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, quanh năm thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất. Thế nhưng, những năm gần đây, bằng nhiều nguồn lực đầu tư của Đảng và Nhà nước xây dựng, nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt, “vùng đất khát” đã phần nào được giải hạn, cuộc sống của bà con trên những vùng núi đá này cũng từng bước được cải thiện.

 

anh tin bai

Những bể chứa nước được Nhà nước hỗ trợ xây dựng đã giúp nhiều hộ dân vùng Lục Khu dự trữ nước sinh hoạt dùng cho mùa khô.

Để dự trữ nước cho gia đình trong mùa khô, bà Dương Thị Dinh, dân tộc Mông ở xóm Lũng Giàng, xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng tận dụng tối đa nước qua máng nước dẫn vào bể chứa trước nhà để dùng cho sinh hoạt hàng ngày cũng như chăn nuôi gia súc. Ở vùng này, thời gian thiếu nước sinh hoạt thường kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Bể chứa nước hơn 10m3 của bà Dinh vừa được nhà nước hỗ trợ xây dựng cũng phần nào giúp gia đình bà vượt qua được cái hạn hán của mùa khô. Bà Dinh chia sẻ: “Trước đây, do kinh tế khó khăn, không có điều kiện xây bể chứa, nước mưa phần lớn lại trôi đi, ngấm vào đất. Vừa qua, gia đình tôi và nhiều hộ dân khác đã được Nhà nước hỗ trợ xây bể chứa nước. Như vậy là có nước đủ dùng trong vài tháng rồi”.

anh tin bai

Giai đoạn 2023 - 2025, vùng Lục Khu, huyện Hà Quảng sẽ được xây dựng thêm 14 công trình cấp, trữ nước, góp phần ổn định, nâng cao đời sống cho người dân vùng cao (Ảnh: Công trình hồ vải địa tại xóm Táy Dưới, xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng đang được thi công). 

Một hồ vải địa mới cũng đang được đầu tư, xây dựng thêm tại xóm Táy Dưới, xã Thượng Thôn với dung tích trên 1.500m3, sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm nay. Hiện, cả xóm Táy Dưới đang có 2 hồ vải địa. Có thêm một hồ mới này, nhu cầu sử dụng nước của 45 hộ dân trong xóm sẽ được cải thiện hơn rất nhiều.

Xã Thượng Thôn hiện có 48 công trình bể chứa nước công cộng dung tích từ 50 - 300m3, 2 hồ vải địa dung tích từ 1.500 - 3.500m3 để tích nước trong mùa mưa phục vụ cho mùa khô. Những công trình này được phân bố rải rác trên địa bàn 15 xóm, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho hơn 827 hộ dân. Từ các chương trình, dự án của Chính phủ, của tỉnh, huyện hỗ trợ xây nhiều công trình nước tự chảy loại nhỏ, bể nước, phần lớn người dân trong xã đã có nước sinh hoạt. Tuy nhiên, do địa bàn rộng lớn, đến nay, hơn 50% hộ dân trong xã vẫn thiếu nước sinh hoạt trong những tháng khô hạn, người dân chỉ được dùng nước hợp vệ sinh từ 47 lít/người/ngày.

Vùng Lục Khu của huyện Hà Quảng chủ yếu là núi đá vôi, không có sông suối, toàn vùng chỉ có 2 mỏ nước chính tại xã Tổng Cọt và xã Lũng Nặm. Vì vậy, các hồ vải địa được xem là giải pháp hữu hiệu để giữ lại nguồn nước mưa quý giá cho vùng Lục Khu. Theo Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, vùng Lục Khu, huyện Hà Quảng sẽ được xây dựng thêm 14 công trình cấp, trữ nước, góp phần ổn định, nâng cao đời sống cho người dân vùng cao trong giai đoạn 2023 - 2025 với nguồn vốn từ ngân sách Trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Hồ vải đang được đầu tư, xây dựng thêm tại xóm Táy Dưới, xã Thượng Thôn là công trình thủy lợi cấp IV, có tổng diện tích đất sử dụng hơn 41.000 m2, tổng mức đầu tư được duyệt trên 67,4 tỷ đồng, dự kiến dự án hoàn thành sẽ trữ nước, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 1.337 hộ dân trên địa bàn. Với sự đầu tư đồng bộ gồm hồ chứa, trạm bơm, hệ thống vòi dẫn đến bể chứa của các hộ dân sẽ góp phần đảm bảo nước sinh hoạt, giúp người dân ổn định cuộc sống trên vùng cao núi đá.

Những hạt ngô đã được người dân vun trong hốc đá đợi chờ mưa tới cũng giống như người dân nơi đây chờ đợi những cơn mưa để có nước dùng trong cuộc sống hằng ngày. Hình ảnh người dân vùng Lục Khu “khát” nước sinh hoạt bao đời nay đã từng là một bài toán hóc búa khó có lời giải. Thế nhưng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và xã hội, cuộc sống của người dân ở vùng tâm “khát” này đang từng ngày được đổi thay. Đưa được nước sinh hoạt đến với vùng cao đã tạo điều kiện để bà con ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, bám đất, bám làng, bảo vệ bình yên nơi biên giới.

Diệu Linh - Đàm Kiều (caobangtv.vn)